Có một anh chàng, anh ta là cảnh sát. Khi anh làm nội gián, anh đã làm biết bao điều trắng đen này nọ.
Ngày kia, anh lên gặp một ông thầy. Anh hỏi thầy: Những việc anh đã làm là đúng hay sai?
Ông thầy im lặng vài giây và bảo anh ta ngắt một bông hoa rồi đếm cánh hoa coi đúng hay sai.
Anh ta liền với tay ngắt mấy bông hoa.
Ông thầy liền nói: Thế thì không cần biết đúng hay sai vì ngay từ đầu cậu đã sai!
Cho dù kết quả là gì thì cũng đã có sự bắt đầu. Nghĩa là khi bắt đầu đã sai thì có làm điều gì nữa cũng là sai. Nhưng cũng đừng nghĩ khi bắt đầu mình đúng thì cho rằng mình đúng, đôi khi bạn bắt đầu đúng nhưng tiếp theo lại làm sai thì bạn đã sai. Nên trước khi làm một việc gì, mình nên suy tính trước đã làm. Một khi đã làm thì cho dù đúng hay sai cũng chấp nhận. Còn nếu không thì là không làm.
Ở một góc nhìn khác, gia đình và xã hội đã gieo vào đầu chúng ta rất nhiều kiến thức mà một đứa trẻ cần được dạy dỗ, trau dồi từ lúc sinh ra. Để khi lớn lên chúng ta có thể thích nghi và sống phù hợp nhất với cộng đồng. Chúng ta thường được dạy rằng phải thật thà, lương thiện, phải làm người tốt, phải làm đúng như những gì xã hội cho là nên làm... những gì chúng ta làm khác đi so với những tiêu chuẩn của xã hội hiện thời thì được coi là sai trái, là xấu xa, là lập dị. Có bao giờ bạn tự hỏi: liệu những điều đó có sai không, liệu xã hội có đúng không?
Con người vốn dĩ có khả năng đào thải và thích nghi với tự nhiên tốt nhất trong thế giới động vật, chủ yếu là nhờ có tổ chức xã hội, có sự hợp tác tuyệt vời trong cộng đồng. Xã hội của con người để đạt được cấu trúc bền vững ưu việt nhất, buộc phải đặt ra những tiêu chí, những chuẩn mực phù hợp nhất để hệ thống này có thể duy trì phát triển mà không bị xáo trộn nghiêm trọng. Những chuẩn mực ấy được truyền lại từ đời này sang đời khác, và được thay đổi dần dần theo từng giai đoạn phát triển của thế giới.
Cho nên, những chuẩn mực xã hội được coi là "phù hợp nhất", chứ không phải là "hiển nhiên". Nếu ngày nay chúng ta có những quan điểm phá cách khác biệt, thì cũng đừng quá quan tâm đến chuyện tốt và xấu hay đúng và sai, mà hãy tư duy kỹ càng xem nó có "phù hợp" hay không. Đôi khi chính bạn sẽ là những người đầu tiên đóng góp cho một chuẩn mực xã hội mới tốt đẹp hơn.
Theo quan điểm của nhà Phật, đúng và sai là những điều khó phân định nhưng điều tốt và xấu thì có thể xác định được. Điều tốt là điều đem lại lợi ích cho mình và cho người, đem lại lợi ích cho cả hai. Làm lợi cho mình mà đem lại hại cho người thì đã đành không phải là điều tốt; nhưng làm lợi cho người mà mang lại hại cho mình thì nhà Phật cũng không cho đó là điều tốt.
Chẳng hạn, cướp của người giàu rồi đem phân phát hết cho kẻ nghèo thì làm lợi cho người này mà lại gây hại cho người kia và bản thân mình có thể phải chịu đựng những rủi ro, chưa kể phải chịu nghiệp xấu, thì rõ ràng không phải là điều tốt theo quan điểm nhà Phật. Nhưng những vị hành Bồ-tát hạnh, chấp nhận thiệt thòi về phần mình để mang lại lợi lạc cho người lại là một vấn đề khác, vì các vị đó hiểu được như vậy là tốt cho tiến trình giải thoát của họ; nghĩa là các vị đó cũng hành xử trên tiêu chuẩn lợi mình lợi người; chỉ khác ở chỗ cái lợi mà họ có được không phải là cái lợi thế tục trước mắt.
Phân biệt được để có thể tránh điều xấu, làm điều tốt là một cách sống có thể đưa con người đến thân tâm an lạc như tư tưởng cốt lõi của Phật giáo: “Làm điều thiện cho mình và cho người, tránh làm điều ác cho mình và cho người để cuối cùng đạt đến thân tâm an lạc”. Nhưng cái khó vẫn là phân định được điều tốt và điều xấu.
Tóm lại, đúng và sai chỉ mang tính chất tương đối, tốt và xấu cũng không dễ dàng để phân định. Bạn đừng quá quan tâm đến đúng và sai hay tốt và xấu mà hãy tập trung tư duy suy xét xem nó có "phù hợp" hay không. Nghĩa là muốn có một xã hội tươi đẹp, muốn bản thân mình thanh thản an nhàn thì đầu tiên mình nên từ bỏ cái tôi đi và làm sao cho đúng với điều được gọi là đúng theo tỉ lệ % cao nhất (phù hợp nhất). Chẳng hạn như trong xã hội có 70% cho rằng điều đó là đúng thì bạn làm sao cho phù hợp để 70% đó đúng là bạn ok rồi.
Chúc bạn hanh thông và thành công trong cuộc sống!