Kinh nghiệm tìm việc và phỏng vấn xin việc là điều tất nhiên bạn phải trang bị cho chính bạn trước khi tìm kiếm một công việc mới. Và bạn thường lên mạng tìm kiếm những bài viết chia sẻ kinh nghiệm tìm việc phỏng vấn xin việc của những người từng trải. Nhưng hầu hết đều chỉ sẻ những kinh nghiệm, những tình huống nhỏ, lang mang nhiều điều ... Mình viết bài này nhằm cô đọng lại những kinh nghiệm cần chuẩn bị và nên nhớ khi tìm việc và phỏng vấn xin việc.
Sau đây mình xin liệt kê những việc cần làm và những điều nên nhớ khi phỏng vấn xin việc:
- Ra trường là phải xin việc ngay đừng đợi nửa năm hay một năm sau mới bắt đầu xin việc, về sau khi đi phỏng vấn lại rất nhiều nơi sẽ truy vấn bạn là từ ngày tốt nghiệp đến giờ (trong khoảng nửa năm hay một năm đó làm cái gì?).
- Về việc nộp hồ sơ xin việc: Có 2 cách, cách thứ nhất mình tìm đến họ, tức là tìm kiếm các thông tin tuyển dụng và nộp hồ sơ trực tiếp/trực tuyến vào đó. Cách thứ 2, hãy để họ tự tìm đến mình bằng cách đăng tin tìm việc, upload hồ sơ của mình lên các website việc làm. Tuy nhiên, cách thứ 2 thì có nhiều rủi ro hơn và không còn cách nào khác là các bạn phải biết chọn lọc thông tin và cẩn trọng (Chỉ upload hồ sơ tại những trang web uy tín như: Jobstreet, Vietnamworks, Careerbuilder, ...).
- Muốn tìm được một công việc tốt, hãy đăng CV bằng tiếng Anh (Làm được website càng tốt). Mua hẳn một cái sim và tạo hẳn một địa chỉ email mới để ghi lên CV. Vì nếu ghi sđt thật, email thật thì sau này rất phiền.
- Các bạn nên tìm việc một cách chủ động hơn như vào trang web của các công ty, VD: Vinamilk, Co.op,... hay tìm việc ngân hàng thì vào web của chính các bank đó hoặc vào trang hiệp hội ngân hàng hay Ubank. Bạn học chuyên ngành xuất nhập khẩu, thì lên mạng tìm hiểu những công ty nào hoạt động ngành này mạnh, sau đó vào web chính cty đó tìm thông tin tuyển dụng. Bạn nào học bên kĩ thuật thì có thể tìm hiểu thông tin ở Khu công nghiệp, khu chế xuất,... theo mình như thế thì sẽ tìm được những nơi có nhu cầu tuyển dụng thật sự.
- Những công ty nào tuyển nhân viên liên tục, trên mọi trang web việc làm, mọi người cần đề phòng. Nhớ google tên công ty và cả địa chỉ, vào coi website của nó… Nếu cần thì đến tận nơi để coi văn phòng công ty ra sao. Nếu văn phòng nhìn quá bèo, tạm bợ, thì đừng nên đi phỏng vấn.
- Những công ty làm việc bài bản, chuyên nghiệp, thường thì sau khi gọi điện cho mình, họ sẽ gửi một cái mail mời phỏng vấn, ghi rõ lịch phỏng vấn cụ thể. Nếu công ty nào chỉ gọi, hoặc chỉ gửi mail, mọi người nên chú ý kĩ hơn.
- Các bạn nên cảnh giác, công ty nào mà bắt bạn nộp tiền này nọ, đào tạo, xét duyệt hồ sơ... dù là 1000 cũng nên bỏ ngay, một công ty tuyển tử tế thì không bao giờ làm thế cả.
- Trừ phi có người muốn giết mình, ngoài ra không có gì phải sợ phải run cả. Hãy tự tin vào bản thân mình. Hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái trước khi đi phỏng vấn.
- Kinh nghiệm là từ chính quá trình tích lũy của bạn. Những điều rất đỗi bình thường như làm thêm, dạy thêm, tham gia các hoạt động hội nhóm xã hội, tự kinh doanh nhỏ, ... cũng có thể giúp bạn vượt qua những "đối thủ" dày dạn kinh nghiệm. Bạn cần suy nghĩ cẩn trọng, liệt kê ra những gì bản thân mình có, bản thân mình làm, chắc chắn trong đó có rất nhiều điểm là lợi thế của bạn mà nhà tuyển dụng quan tâm. Hãy tự tin và tận dụng lợi thế đó để "ghi điểm" với họ.
- Có những công việc lương có thể thấp nhưng bạn được đào tạo (tiếng, kỹ năng, ...) đó gọi là chi phí cơ hội, đừng xem nhẹ nó, vô cùng quan trọng. Trau dồi bản thân không bao giờ là sai lầm.
- "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" => Tham gia phỏng vấn càng nhiều càng tốt, không việc gì phải ngại phỏng vấn dù là công ty nhỏ hay công ty lớn, dù bạn mới ra trường hay đang có công việc làm ổn định. Hãy tham gia phỏng vấn thường xuyên mỗi khi có cơ hội để trao dồi kinh nghiệm.
- Nếu bạn là người đang đi làm, luôn luôn và xác nhận chắc chắn một chỗ làm mới trước khi bạn rời bỏ chỗ làm cũ.
- Khi được mời đến phỏng vấn, bạn hãy hỏi thật rõ về địa điểm, cách ăn mặc và nếu cần thiết hơn, thì hỏi xem có những ai sẽ phỏng vấn bạn.
- Luôn phải chuẩn bị ô cho những ngày trời mưa - tức là luôn phải có “kế hoạch B” cho những trường hợp xấu.
- Nghiên cứu kỹ về các chính sách, phong cách văn hoá ... của công ty và chuẩn bị sẵn một số câu hỏi có liên quan trước khi đến phỏng vấn xin việc.
- Đừng nói "không" khi được hỏi về năng lực, hãy thể hiện quyết tâm và sự tự tin của mình.
- Tập trung vào công việc mà mình ứng tuyển. Thay vì tìm cách thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình, các bạn hãy chú trọng vào công việc mà mình ứng tuyển, hãy hỏi nhà tuyển dụng nội dung, cách thức và quy trình làm việc. Từ đó vô tình tạo cảm giác bạn là người đến đây là để nắm bắt tình hình và tiếp nhận công việc này chứ không phải là đi phỏng vấn, sau quá trình trao đổi đôi khi nhà tuyển dụng sẽ hỏi khi nào bạn có thể bắt tay vào công việc, câu hỏi này của nhà tuyển dụng cũng chính là thông điệp báo hiệu bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn thành công.
- Không nên tỏ ra quá tài giỏi. Bước vào cuộc phỏng vấn bạn nên mạnh dạn tìm hiểu vai trò của người tuyển dụng, nếu đó là lãnh đạo thì bạn có thể tha hồ chứng tỏ năng lực của bản thân, vì những người lãnh đạo luôn mong muốn tìm được những nhân viên tài giỏi giúp sức cho mình. Nhưng nếu đó là một người ở vị trí “nhạy cảm” so với vị trí ứng tuyển của bạn, thì một lời khuyên chân thành là bạn đừng tỏ ra quá tài giỏi, mà hãy chứng tỏ mình là người có thể làm tốt công việc đó là đủ. Vì nếu lỡ bạn giỏi hơn họ thì họ sẽ bị lu mờ, và hơn nữa trong cuộc sống và công việc có ai mà không muốn hơn người khác! vì vậy nếu họ nhận ra bạn là một đối thủ nguy hiểm thì liệu họ có dám tuyển bạn vào làm không? Dĩ nhiên không phải người tuyển dụng nào cũng vậy, vẫn có những người rất thích làm việc với người giỏi giang, nhưng cũng không thiếu những kẻ luôn muốn hơn người. Vì vậy đôi khi hãy biết khiêm tốn, điều đó không khiến bạn lu mờ, mà đó là tiền đề để bạn tỏa sáng về sau.
- Yêu cầu được giao một công việc nào đó (cho cơ hội để mình thể hiện năng lực). Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra không tin tưởng vào năng lực của bạn, hoặc họ phân vân không biết làm gì với bạn thì hãy mạnh dạn đề nghị họ giao cho mình một công việc nào đó. Đừng để họ cầm hồ sơ của bạn và hứa hện có gì sẽ liên lạc lại sau, vì đa phần những trường hợp này đều bị “chìm xuồng”. Hơn nữa khi được giao một công việc nào đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đã có mối liên hệ nhất định với doanh nghiệp, trong quá trình làm bạn có thể trao đổi với họ, từ đó tạo được mối quan hệ và cũng là cơ hội để bạn chứng tỏ năng lực của mình. Đây chính là cách gián tiếp để bạn vượt qua vòng phỏng vấn nếu như cuộc phỏng vấn giai đoạn đầu không được suôn sẽ.
- Luôn luôn làm 3 điều sau trong quá trình tìm việc, ngay cả khi bạn đã có công việc: Ho-ren-so (tiếng Nhật) Báo cáo - Liên lạc - Trao đổi.
Ngoài những kinh nghiệm trên, bạn đã trải qua quá trình xin việc như thế nào, hãy chia sẻ kinh nghiệm dể giúp mọi người tìm được công việc yêu thích của mình nhé!